Canh nấm mối lá lốt
https://shopnammoi.blogspot.com/2016/04/canh-nam-moi-la-lot.html
Sau cơn mưa kèm không khí lạnh là lúc dọc theo bờ rào, bụi cây, gò đất... quê tôi xuất hiện nấm mối.
Sau cơn mưa kèm không khí lạnh là lúc dọc theo bờ rào, bụi cây, gò đất... quê tôi xuất hiện nấm mối.
Trời chuyển đông, khi những tia nắng nhẹ xuất hiện sau cơn mưa kèm không khí se lạnh cũng là lúc dọc theo bờ rào, bụi cây, gò đất... quê tôi xuất hiện nấm mối. Về quê mùa này là tha hồ đi nhổ nấm mối về nấu canh lá lốt.
Ở quê tôi, nấm mối chỉ xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 12 (âm lịch), sau những ngày mưa kéo dài, không khí lạnh và nắng bắt đầu hanh hanh. Biết được đặc tính đó nên cứ sau những đêm mưa, sáng sớm trời tạnh nhưng vẫn còn se lạnh, tầm 5 - 6g khi chị em tôi vẫn còn cố ngủ vùi trong chăn, má đã rủ rỉ: “Trời tạnh rồi đó con, dậy đi kiếm nấm mối đi con”.
Nghe thế, dù vẫn còn quấn kín trong chăn, ngáp ngắn ngáp dài nhưng mấy chị em đã bật dậy khỏi giường, xuống bếp xách vội cái rổ, đội cái nón (cho sương sớm không thấm ướt) rồi dạo quanh mấy bụi cây, bờ rào (những chỗ ẩm ướt nhưng cao ráo) nấm thường hay mọc.
Nấm mối thường mọc từng khoanh trên nền đất, trong bờ rào, trên bờ ruộng và có khi ngay trong vườn nhà. Nội tôi nói “nấm sáng nở chiều tàn”, nấm mối nhú khỏi mặt đất vào ban đêm nên sáng sớm đi hái là tốt nhất, nếu để chiều nấm sẽ nở to (không còn ngon) hoặc tàn mất.
Nấm mối thường mọc trong bụi cây, gò đất sau những cơn mưa - Ảnh: Hương Cát
Nấm mối mới nhú trông rất giống nấm rơm, phía trên tai nấm có màu tro. Qua một ngày, nấm nở bung ra, có thể nhìn thấy màu trắng sữa phía dưới tàn nấm, cao không quá 5cm. Khi hái nấm phải chú ý không dùng các vật bằng kim loại như dao, cuốc, xẻng vì sẽ làm nấm mất ngon. Người sành ăn nấm chỉ nhổ bằng tay, đưa tay cầm sát gốc nấm lay lay vài cái, nấm sẽ nhích khỏi mặt đất, rút lên bỏ vào rổ.
Nấm hái về, nội và má quây lại bên cả rổ đầy làm sạch đất, còn hai chị em tôi thì ra vườn hái lá lốt. Theo những cụ già ở quê, gọt chân nấm cũng chỉ dùng que tre hoặc cây củi vót nhọn (không nên dùng dao, sắt) để cạo sạch đất. Cạo xong thì xé nấm nhỏ ra từng miếng để khi nấu nấm sẽ chín đều, vì phần tai nấm mềm nhanh chín hơn thân nấm.
Cạo sạch đất ở gốc nấm mối - Ảnh: Hương Cát
Canh nấm mối nấu lá lốt xắt nhỏ là lựa chọn hàng đầu của người dân xóm tôi. Món này vừa ngon, vừa không tốn tiền mua nguyên liệu nấu kèm bởi lá lốt ở quê nhà nào cũng có. Chỉ cần bắc nồi nước lên bếp, chờ nước sôi, bỏ nấm mối và lá lốt vào, đậy nắp khoảng 5 phút, khi mùi thơm của nấm, mùi ngai ngái của lá lốt bốc lên theo làn khói thì bắc xuống cho ít gia vị muối, bột ngọt, tiêu. Chỉ thế thôi nhưng đủ có nồi canh nấm mối - lá lốt cực ngon.
Má nói nấu nấm mối đừng khử dầu ăn vì mùi dầu, với vị béo của nó sẽ làm mất đi vị ngọt, mùi thơm của nấm. Và vị đăng đắng của lá lốt kết hợp vị ngọt của nấm từ lâu đã trở thành món ăn ưa thích của gia đình tôi.
Nấm mối thường mọc trong bụi cây, gò đất sau những cơn mưa - Ảnh: Hương Cát
Ngoài món canh nấm mối nấu lá lốt, nấm mối còn được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như nấu canh thịt bò, dùng để xào, nướng lá chuối với muối hột, nấm mối cũng được dùng làm nhân đúc bánh xèo... Vì thế, năm nào nấm mối mọc nhiều, người dân quê tôi đổ xô đi nhổ nấm mối về bán với giá nấm mối từ 500.000 - 1.200.000 đ/kg. |
Theo Hương Cát (Tuoitreonline)