Văn hóa nấm mối
https://shopnammoi.blogspot.com/2016/04/van-hoa-nam-moi.html
Có duyên thì gặp
Khi mới mọc lên khỏi mặt đất, các tai nấm còn nhỏ và có hình như chiếc dù. Với màu nâu xám, lại lè tè mặt đất nên nấm dễ lẫn với các thứ lá cây hay đất. Trong buổi sáng sớm, nhìn ra nấm mối có phải là không hề dễ không? Phải có duyên mới bắt gặp được!
Lúc mới phát hiện, chỉ là một nhúm nấm nơi này, chớ vội, nhìn ra chung quanh sẽ thấy tiếp, thấy nhiều. Niềm vui phát hiện nấm cứ thế mà nở dần lên, thường không kiềm được tiếng cảm thán. Có khi nhận thấy mình đang đứng giữa một bãi nấm. Trời ơi, vui ngất ngây!
Tìm nấm (nhổ nấm) phải tranh thủ đi từ rất sớm, bởi ai tìm thấy trước là của người ấy, đó là quy tắc bất khả tranh tụng. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, đêm nằm cứ mong mau đến sáng. Khi trời tờ mờ, mọi người đã túa ra vườn để tìm nấm, đứng cách xa xa một chút là không nhìn rõ mặt nhau, chỉ nhận ra giọng nói. Chia nhau lặn lội rà soát khắp vườn cho đến khi trời sáng tỏ, nếu muốn, có thể sang vườn khác tìm vẫn được, bởi vậy những người không có vườn đất vẫn có “quyền” đi tìm nấm mối. Điều này xuất phát từ quan niệm nấm là quà tặng của thổ thần!
Nếu tìm được một bãi nấm đủ lớn, người ta ngồi xuống nhổ ngay. Động tác thu hoạch càng miệt mài là càng mừng vui, không biết cực. Nhưng, nếu nấm còn nhỏ, chưa vừa ăn, người ta đánh dấu “quyền sở hữu” bằng cách dùng một tàu lá dừa khô đậy lên rồi đi tiếp, trưa hay chiều sẽ quay lại nhổ. Tàu lá dừa thưa và nhẹ nên nấm vẫn tiếp tục phát triển bình thường. Khi thấy một tàu dừa đậy, bên dưới có nấm thì biết gò nấm ấy đã có chủ, mình không được nhổ. Nấm mối là của đất trời, ai gặp trước là của người đó, ngay chủ vườn, chủ đất cũng phải tôn trọng điều này trên mảnh đất của mình. Những điều này má thường nhắc nhở, anh em tôi cứ vậy mà răm rắp, không làm trái.
Còn đâu một tàu lá đậy!
Tiếc rằng nét đẹp văn hóa thuở khai hoang mở đất ấy chỉ còn sót lại đến thời thơ ấu của tôi là hết. Bây giờ, ai còn tôn trọng một tàu lá đậy? Cách khẳng định quyền sở hữu là nhổ ngay hễ gặp. Chủ vườn cũng không thể chờ cho nấm lớn, bởi chờ có thể bị mất. Ngoài chợ, người ta bán đầy những nấm còn non.
Đời nấm ngắn ngủi. Cây nấm đang búp, nhưng một cơn mưa qua sẽ thúc đẩy nó nở nhanh để rồi tàn ngay trong ngày. Bởi vậy, cái thứ lộc đất trời này mà không hưởng ngay, hưởng đúng lúc thì thật phí. Ngay người ăn chay cũng đưa nấm mối lên hàng số một trong các nguyên liệu tạo ra những món ăn thanh tịnh và bổ dưỡng. Con nước rằm và 30 tháng 5 được coi là con nước nấm mối. Nấm rộ nhiều, ăn không kịp, người ta phải phơi khô để dành, ăn dần... Nhưng, đang ngày mưa gió mà phơi nấm đến khô là hơi khó, bởi vậy, người ta thường phải sấy.
Nấm mối sấy bằng than gáo dừa, quen gọi là miểng gáo, trong quá trình mất nước để khô nó còn được ướp… khói, nói “kiểu nước ngoài” là xông khói, nên có hương vị đặc hữu, hơn hẳn phơi khô.
Tháng 7 mưa dầm, không ra ngoài bắt được con gì thì chỉ cần lấy một ít nấm mối khô ra ngâm nước sơ qua rồi cho vào nồi canh rau dền, mồng tơi. Lúc nhắc xuống mà được để vô một muỗng tóp mỡ nữa thì bữa cơm chiều mưa ấy phải nói là “chồng chan, vợ húp lắc đầu khen ngon!”…
Nấm mối cũng có ở miền Đông, miền Trung nhưng do thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau nên hình dáng và chất lượng khác lắm. Nấm mối miền Đông là sản phẩm của những đàn mối ăn các cành cây cà phê, cây điều bị mục. Cây nấm ở đây lớn hơn, có màu phù hợp đất đỏ bazan nên còn gọi là nấm lửa, ăn vào cũng có vị ngọt ngon nhưng hơi chát. Người Sài Gòn chỉ chịu mua nấm này với giá chưa bằng phân nửa giá nấm mối Bến Tre, Vĩnh Long. Còn người miền Tây thì chê hẳn. Nấm mối Huế không biết ra sao mà thân phận bọt bèo, bị coi thua cả nấm rơm trồng! Tôi chưa được thưởng thức nên chưa biết nguyên nhân vì sao mà tệ vậy?
Nấm mối ở nước ngoài cũng có. Trong một lần vào nghĩa trang Lake View của thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ, để thăm mộ Lý Tiểu Long, tôi đã nhìn thấy một gò nấm mối, hay ít ra rất giống nấm mối. Tất nhiên, trong trường hợp này, tôi không thể và không dám nhổ về ăn thử. Nhưng một khi biết rằng nơi đây vẫn có con mối, thì meo nấm của nó sản sinh ra cây nấm là điều đương nhiên. Dù không thử, nhưng tôi tin chắc chắn rằng nó không thể ngon bằng nấm mối Bến Tre, một khi mà chất ngọt ngon của cây nấm quê giờ đây, đối với tôi, không chỉ được đón nhận ở nơi đầu lưỡi, mà đã đi sâu vào tận tâm hồn. Chỉ nghe nhắc đến tên đã thèm rơi nước miếng!
Nguồn: Sưu Tầm
Nấm mối ở nước ngoài cũng có. Trong một lần vào nghĩa trang Lake View của thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ, để thăm mộ Lý Tiểu Long, tôi đã nhìn thấy một gò nấm mối, hay ít ra rất giống nấm mối. Tất nhiên, trong trường hợp này, tôi không thể và không dám nhổ về ăn thử. Nhưng một khi biết rằng nơi đây vẫn có con mối, thì meo nấm của nó sản sinh ra cây nấm là điều đương nhiên. Dù không thử, nhưng tôi tin chắc chắn rằng nó không thể ngon bằng nấm mối Bến Tre, một khi mà chất ngọt ngon của cây nấm quê giờ đây, đối với tôi, không chỉ được đón nhận ở nơi đầu lưỡi, mà đã đi sâu vào tận tâm hồn. Chỉ nghe nhắc đến tên đã thèm rơi nước miếng!