Thạc sĩ Nấm - Cổ Đức Trọng

Người đầu tiên điền tên ngành nấm linh chi Việt Nam trên bản đồ nấm thế giới, góp phần đưa Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất nấm dược liệu, được xếp vào “top 10” của ngành nấm thế giới. Việc lưu giữ, bảo tồn tài nguyên nấm Việt Nam và hướng đến xây dựng bảo tàng nấm đang trở thành sự thôi thúc hơn bao giờ hết.
Ông là người đầu tiên điền tên ngành nấm linh chi Việt Nam trên bản đồ nấm thế giới, góp phần đưa Việt Nam vào những nước sản xuất nấm dược liệu hàng đầu. Trên 20 năm lùng sục khắp các cánh rừng từ Nam ra Bắc, ông đã phát hiện, sưu tầm, bảo tồn trên 80 loài nấm, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, chưa có trong danh lục. Ông là người nghiên cứu thành công công nghệ trồng nấm dược liệu ngang bằng với các nước, “bắt” nấm xứ lạnh thích nghi với nhiệt độ nóng miền Nam; là nhà cung cấp nấm dược liệu lớn nhất Việt Nam cho các công ty dược, xuất khẩu nấm sang Nhật, Mỹ... Hiện ông đang tiến hành xây dựng bảo tàng nấm đầu tiên ở Việt Nam. Thành tựu của ông được Liên đoàn lao động TP.HCM chọn là một trong 35 công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trưng bày chào mừng 35 năm giải phóng miền Nam. Ông là “thạc sĩ nấm” Cổ Đức Trọng.

Niềm tự hào của ngành nấm Việt Nam
Chúng tôi thật sự choáng ngợp trước trang trại trồng nấm dược liệu quy mô lớn nhất Việt Nam với hàng trăm căn nhà trồng nấm trên diện tích 10 ha tại Bình Dương. Nắng tháng tư như lửa đốt nhưng từng quần thể nấm vẫn thi nhau mọc lên sung tốt, nối tiếp nhau như những luống hoa trải dài. Phần lớn trong số này là các loại nấm quý đang được thế giới quan tâm như linh chi, vân chi, hầu thủ, thái dương, thượng hoàng... Nhiều loại nấm xứ lạnh được ThS. Cổ Đức Trọng thuần hóa cũng “bén đất” xứ Bình Dương. Trại nấm nơi đây cung cấp nguồn nấm dược liệu nhiều nhất nước, riêng nấm linh chi thu hoạch cả trăm tấn mỗi năm. Chất lượng và giá cả cạnh tranh được với các nước sản xuất nấm linh chi lâu năm như Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt nấm linh chi từ trang trại của ông đã được xuất qua Nhật, Mỹ…
Từ chỗ không có tên trên bản đồ nấm thế giới, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất nấm dược liệu, được xếp vào “top 10” của ngành nấm thế giới. Điều đáng tự hào là quy trình công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu hoàn toàn do ông và các cộng sự nghiên cứu, tất cả đều sử dụng nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Ngoài 30 loài nấm linh chi sưu tầm từ thiên nhiên, ông còn phát hiện ra nấm linh chi vàng đặc hữu của Việt Nam. Đặc sắc nhất là nấm thái dương, trước đây thế giới công bố chỉ có ở Brasil, Bắc Mỹ mới có thì nay đã được ông phát hiện tại tỉnh Đồng Tháp. Loài nấm này không chỉ ngon mà còn là dược liệu quý để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, hiện đang được nhiều nước quan tâm nghiên cứu.
Hiện ông đang lưu trữ hơn 300 mẫu vật của trên 80 loài nấm. Giữ giống trên các môi trường thuần khiết là giữ nguồn gen bản địa quý hiếm, từ đó hoàn toàn có thể phục tráng, nhân giống và sản xuất phục vụ cho ngành dược và thực phẩm. Hiện ông tiếp tục điều tra, sưu tầm các nguồn giống nấm Việt Nam, đặc biệt là đang triển khai xây dựng một bảo tàng nấm tại Q.12 (TP.HCM). Ông cho biết nơi đây sẽ hình thành điểm tham quan, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước tiềm năng đa dạng sinh học nấm của Việt Nam, là nơi lưu trữ cho những ai có nhu cầu khám phá thế giới nấm cũng như tìm hiểu về thành phần, công dụng của nấm.

Bén duyên cùng nấm
Ông tiếp chúng tôi ngay trại nấm. Nhìn ông nâng niu, chăm sóc từng tai nấm mới hiểu lòng say mê của ông. Có lẽ tình yêu cây nấm mà nhiều người quen gọi ông là “Thạc sĩ nấm” hay “ông Trọng linh chi” với nhiều công trình nghiên cứu nấm được công bố. ThS. Cổ Đức Trọng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nấm linh chi và dược liệu (Công ty TNHH linh chi Vina, Q.12, TP.HCM) nhớ lại, bắt đầu cuối năm 1987, ông cùng những người bạn mở đầu tháng ngày săn tìm nấm linh chi, loài nấm từ lâu được xem như “tiên thảo” với nhiều huyền thoại. Lùng sục trên các cánh rừng ở Lâm Đồng, đến lúc mòn mỏi chuẩn bị trở về TP.HCM thì mới phát hiện ra “tiên thảo”, nhưng cũng chỉ vài tai nấm. Ông mang về cất giữ như báu vật và bắt đầu khám phá sự thật về loài thảo dược quý hiếm này. Khó khăn và thiếu thốn đủ thứ nhưng ông và cộng sự mày mò nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm. Cuối cùng nấm linh chi hoang dại cũng quen sống trong môi trường mới. Những tai nấm linh chi đầu tiên của Việt Nam đã có mặt trên thị trường. Những năm 1990, nấm linh chi vẫn còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng, đích thân ông giám đốc phải đi tiếp thị các sản phẩm từ nấm như rượu thuốc linh chi, trà túi lọc linh chi…
Không nản lòng, ông và các cán bộ trung tâm quyết đưa ngành nấm dược liệu vươn lên. Bằng cách gói ghém vượt qua khó khăn, từng bước nấm linh chi được nhiều người biết đến. Ông “nâng cấp” bằng cử nhân sinh học của mình khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên về sinh lý thực vật để có thêm điều kiện nghiên cứu nấm. Vừa lo sản xuất nhưng ThS. Trọng và cán bộ trung tâm hàng năm vẫn đều đặn băng rừng, vượt núi săn tìm các giống nấm. Ở tuổi 55 nhưng ông Trọng đã có 23 năm gắn bó với cây nấm, bước chân ông in dấu khắp dải đất miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL rồi đến các đảo xa. Nhưng điều đáng nói là kinh phí sưu tầm, nghiên cứu đều do đơn vị tự cân đối, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước. Ngay như trại nấm quy mô 10 ha ở Bình Dương hiện nay cũng do ông và tập thể cán bộ đầu tư bằng chính công sức của mình. Chia tay “Thạc sĩ nấm”, chúng tôi vô cùng cảm phục ông và các đồng nghiệp, vì cho đến nay lĩnh vực này vẫn còn ít người tham gia nghiên cứu. Lại càng thấy rõ hơn ý nghĩa của những đóng góp của ông khi các cánh rừng ngày càng suy kiệt và việc lưu giữ, bảo tồn tài nguyên nấm Việt Nam và hướng đến xây dựng bảo tàng nấm đang trở thành sự thôi thúc hơn bao giờ hết.
PHƯƠNG KIỆN BÌNH

Related

Tin hot 8453126463597930737

Đăng nhận xét

emo-but-icon

call me


0938.106.260 Ms.Tú Anh
Tư vấn hoa Lavender !
0973.46.22.99 Mr.Vũ
Đặt hàng nấm mối ngay !

week

Recent

Comments

quảng cáo

Quảng cáo

quảng cáo

Quảng cáo

quảng cáo

Quảng cáo

đặt hàng nấm mối

item